Nhà Tây Sơn Nông_nghiệp_Đại_Việt_thời_Tây_Sơn

Chính sách

Trong những năm đầu, do hoàn cảnh chiến tranh, phải đối phó với các chính quyền khác và lãnh thổ còn bị chia cắt, nhà Tây Sơn chưa có nhiều chính sách và việc thực thi cụ thể đối với phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Chính sách phát triển nông nghiệp của nhà Tây Sơn chỉ thực sự bắt đầu sau khi Quang Trung đánh bại quân Thanh và chính thức thay thế nhà Lê trung hưng ở Bắc Bộ. Tại thời điểm đó, nhiều vùng trong cả nước rất khó khăn sau nhiều năm chiến tranh. Những vùng như Thanh Hóa, Nghệ An bị mất mùa, dân bị đói kém, ruộng đất bị bỏ hoang nhiều nơi[1].

Do yêu cầu cấp bách của hoàn cảnh khi đó, Quang Trung ban hành "Chiếu khuyến nông" kêu gọi nhân dân lưu tán trở về quê hương khai khẩn ruộng nương, sản xuất nông nghiệp để ổn định cuộc sống, phục hồi kinh tế đã đình trệ. Ông giao cho các quan lại địa phương như thôn trưởng, xã trưởng quán xuyến công việc, hạn đến tháng 9 năm 1789 phải trình được sổ điền hộ, kê khai số đinh, số ruộng hiện có và số ruộng hoang mới khai khẩn để triều đình quy định ngạch thuế.

Sổ đinh các làng lập xong, quan huyện có nhiệm vụ tập hợp lại, rồi đối chiếu và phát cho mỗi người một tấm thẻ có chữ "thiên hạ đại tín" bằng chữ triện, có hoa văn, xung quanh ghi họ tên, quê quán và điểm chỉ. Ai cũng phải mang theo thẻ bài, không có là dân ẩn lậu. Đây là biện pháp hữu hiệu để quản lý nhân khẩu, kê đủ số đinh hiện có để phục vụ sản xuất và quân sự.

Cùng việc lập sổ đinh, Quang Trung ra lệnh lập lại sổ ruộng. Ruộng được chia làm 3 hạng: nhất đẳng điền, nhị đẳng điền và tam đẳng điền; trên cơ sở đó triều đình có mức thu cụ thể[2]:

  • Đối với ruộng công:
    • Ruộng hạng nhất nộp 150 bát thóc
    • Ruộng hạng nhì nộp 80 bát thóc
    • Ruộng hạng ba nộp 50 bát thóc
    • Ngoài ra mỗi mẫu phải nộp tiền thật vật 1 tiền và tiền khoán làm kho 50 đồng.
  • Đối với ruộng tư:
    • Ruộng hạng nhất nộp 40 bát thóc
    • Ruộng hạng nhì nộp 30 bát thóc
    • Ruộng hạng ba nộp 20 bát thóc
    • Ngoài ra mỗi mẫu phải nộp tiền thật vật 1 tiền và tiền khoán làm kho 30 đồng.

Ngoài thuế và tiền thật vật, làm kho, nông dân không phải nộp thêm khoản tiền nào khác. Chính sách đơn giản này góp phần làm giảm gánh nặng đóng góp cho nhân dân, khiến đời sống dễ chịu hơn[2].

Ngoài ra, triều đình còn ban lệnh các địa phương phải đảm bảo giải quyết hết diện tích ruộng đất bỏ hoang, nếu hết thời hạn vẫn bỏ hoang không khai khẩn thì ruộng công sẽ chiếu theo ngạch thuế thu gấp đôi, nếu là ruộng tư thì thu thành ruộng công[3].

Kết quả

Nhờ chính sách này, sản xuất nông nghiệp bước đầu được khôi phục. Đến vụ mùa năm 1791, mùa màng thu hoạch khá tốt, khôi phục được cảnh như thời thái bình trước đây[4].

Bài Phú tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng đã ghi lại thành tựu này:

Tới Mậu Thân từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địchQua Canh Tuất lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gợi đức chiêm nhu

Tuy nhiên, chính sách "khuyến nông" của Quang Trung vẫn chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề ruộng đất cuối thế kỷ 18, vì chưa đụng đến quyền sở hữu ruộng đất của giải cấp địa chủ, chỉ tịch thu ruộng đất tư bỏ hoang quá hạn và ruộng đất của những phần tử chống đối[4]. Nhưng xét trong bối cảnh đương thời, việc chia ruộng đất công cho dân có điều kiện sản xuất, chấm dứt tình trạng phân tán đã mang ý nghĩa tích cực nhất định và hiệu quả nhất định[4].